TUỔI VÀ THỊ LỰC CỦA BẠN
TUỔI TÁC ẢNH HƯỞNG THỊ LỰC CỦA BẠN NHƯ THẾ NÀO?
Khi 80% thông tin mà chúng ta tiếp nhận hàng ngày là thông qua đôi mắt của chúng ta, nhưng cứ trong 2 người thì có 1 người gặp vấn đề về thị lực, chúng ta cần phải ưu tiên chăm sóc mắt lên hàng đầu. Vấn đề về thị lực thay đổi khi chúng ta lớn lên rồi già đi, do đó, tùy theo độ tuổi mà chúng ta sẽ gặp phải các vấn đề và có các cách giải quyết khác nhau. Hãy cùng Essilor tìm hiểu tuổi tác và thị lực có mối liên hệ như thế nào
Chúng ta có thể bị vấn đề thị lực ngay từ khi sinh ra và trong thời thơ ấu, nhưng tuổi trưởng thành và về già cũng sẽ làm nảy sinh các vấn đề khác.
Vấn đề thị lực xảy ra do sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường, chẳng hạn như tiếp xúc với tia UV gây hại đến từ mặt trời có thể làm hỏng mắt. Có nhiều cách để khắc phục những vấn đề này trong các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống của chúng ta, bao gồm đeo kính theo toa hoặc thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
VẤN ĐỀ THỊ LỰC CỦA TRẺ EM (0-12 TUỔI)
Thị lực của trẻ sơ sinh phát triển nhanh chóng ngay sau khi chào đời, và chỉ mất 3 ngày để trẻ sơ sinh có thể tập trung thị lực. Sau sáu tuần, thị lực của trẻ sẽ vẫn bị mờ nhưng trẻ sẽ có thể nhận ra cha mẹ mình. Trẻ sinh non có thể mất nhiều thời gian hơn để thị lực phát triển theo kịp tốc độ bình thường.
Các chuyên gia khuyên rằng trẻ cần được khám mắt vào sáu tháng sau khi sinh. Nếu bác sĩ phát hiện bất kì điều gì bất thường, bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ nhãn khoa tại khoa nhi bệnh viện để kiểm tra chi tiết.
Phụ huynh nên thận trọng bảo vệ mắt con mình ngay từ khi thơ ấu. Nếu con bạn không có vẻ quan tâm đến các vật thể mới như đồ chơi mới, có thể là do trẻ không thể nhìn rõ chi tiết; khi đó cách tốt nhất là bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn. Có thể con bạn đã gặp vấn đề cận thị hoặc viễn thị,...Nhiều người vẫn thường cho rằng viễn thị không gặp ở trẻ em nhưng điều này là không chính xác.
NHỮNG VẤN ĐỀ THỊ LỰC PHỔ BIẾN Ở TRẺ EM
- Viễn thị: Viễn thị xảy ra khi mắt không thể nhìn rõ ở khoảng cách gần. Viễn thị thường gặp ở lứa tuổi nào? Tình trạng này không chỉ phổ biến ở người già mà trẻ em trong giai đoạn từ 5 đến 10 tuổi cũng thường hay mắc phải. Viễn thị thường được điều trị bằng kính theo toa hoặc kính áp tròng.
- Cận thị: Cận thị xảy ra khi mắt không thể nhìn rõ ở khoảng cách xa. Cận thị bắt đầu dễ nhận thấy từ 5 đến 10 tuổi. Cận thị được điều trị bằng kính theo toa hoặc kính áp tròng.
- Viêm kết mạc: Viêm kết mạc là tình trạng viêm kết mạc dẫn đến tấy đỏ trong mắt gây kích ứng. Nếu trẻ bị viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc virus sẽ dễ dàng lây cho các thành viên khác trong gia đình, vì vậy cách tốt nhất là hãy đưa trẻ đi khám điều trị.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC
-
Lé: Lé xảy ra khi hai mắt nhìn không thẳng hàng và không tập trung vào một điểm cùng lúc. Lé được điều trị bằng kính theo toa, miếng dán mắt, thuốc nhỏ mắt hoặc phẫu thuật cơ mắt.
-
Nhược thị: Nhược thị là tình trạng thị lực kém ở một hoặc cả hai mắt, còn được gọi là “mắt lười”. Nhược thị được điều trị bằng kính mắt theo toa, thuốc nhỏ mắt, liệu pháp thị giác, hoặc che mắt khỏe để tăng cường mắt yếu hơn. Nếu không được điều trị ngay lập tức, sự phát triển của mắt có thể bị chậm hoặc ngừng hoàn toàn.
VẤN ĐỀ THỊ LỰC Ở TUỔI TEEN VÀ NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH (13-39 TUỔI)
Thị lực của trẻ em bắt đầu ổn định trong thời niên thiếu (tuổi teen). Tuy nhiên tật cận thị có thể trở nên nghiêm trọng hơn ở tuổi dậy thì. Nếu thị lực của trẻ có sự thay đổi thì cần đi kiểm tra càng sớm càng tốt. Nếu chuyên gia nhãn khoa chẩn đoán bất cứ điều gì - chẳng hạn như cận thị được kê toa kính - hãy lưu ý để trẻ kiểm tra mắt định kỳ nhằm theo dõi tiến triển. Tương tự đối với tật viễn thị. Viễn thị thường gặp ở lứa tuổi nào? Tuổi teen bạn cũng có thể gặp những vấn đề về viễn thị đấy!
Thanh thiếu niên nên thận trọng trong thời gian này, thường xuyên nghỉ giải lao khi nhìn màn hình máy tính và điện thoại liên tục, đeo kính chống ánh sáng xanh để bảo vệ mắt tốt hơn, đồng thời tránh tia UV đến từ mặt trời bằng cách đeo tròng kính có lớp váng phủ ngăn chặn tia UV.
Khi chúng ta già đi, sinh hoạt và nếp sống của chúng ta thay đổi, nhưng chúng ta vẫn có thể bị các vấn đề về thị lực tương tự hồi trẻ. Làm việc trước màn hình máy tính cả ngày hoặc làm việc ngoài trời cũng có thể tác động tiêu cực đến thị lực của chúng ta.
NHỮNG VẤN ĐỀ THỊ LỰC PHỔ BIẾN Ở TUỔI TEEN VÀ NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH
- Loạn thị: Loạn thị là tật mắt phổ biến khiến thị lực bị mờ ở cả khoảng cách gần hay xa. Kính thuốc hoặc kính áp tròng là lựa chọn điều trị tốt nhất mà không cần phải phẫu thuật.
- Mỏi mắt kỹ thuật số hoặc CVS: Mỏi mắt kỹ thuật số gây mỏi mắt, khô mắt do sử dụng màn hình kỹ thuật số liên tục. Mỏi mắt kỹ thuật số có thể được khắc phục bằng cách đeo kính mắt với tròng kính đặc biệt ngăn chặn ánh sáng xanh có hại.
- Tiếp xúc với tia UV: Trẻ em và người trưởng thành thường xuyên hoạt động ngoài trời sẽ tiếp xúc nhiều hơn với tia UV có hại, có thể gây tổn thương mắt và gây ra khó chịu như mỏi mắt hoặc thị lực mờ. Sử dụng tròng kính ngăn ngừa tia UV, tròng kính đổi màu cũng như kính mát có thể bảo vệ mắt họ khỏi tia UV có hại.
VẤN ĐỀ THỊ LỰC Ở NGƯỜI LỚN TUỔI (40-59 TUỔI)
Mỗi người sẽ có tình trạng thị lực riêng biệt không giống nhau, bởi vậy tất cả người lớn đều phải khám mắt định kỳ sau 40 tuổi để phát hiện dấu hiệu của tật lão thị phổ biến ở tuổi trung niên và già. Những thay đổi về nội tiết tố làm thay đổi giác mạc trong thai kỳ cũng có thể làm cho thị lực của người phụ nữ thay đổi trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, hãy luôn coi trọng các lời khuyên của chuyên gia nhãn khoa, đặc biệt trước khi tham gia một số môn thể thao cụ thể.
NHỮNG VẤN ĐỀ THỊ LỰC PHỔ BIẾN Ở NGƯỜI LỚN
-
Lão thị: Lão thị là tình trạng mắt gây ra bởi sự dày lên và mất dần độ đàn hồi của một thấu kính bên trong mắt bạn, khiến mắt khó tập trung vào các vật thể ở gần. Người bị lão thị có thể sử dụng kính đa tròng, là giải pháp tốt nhất trả lại thị lực rõ nét và linh hoạt ở mọi khoảng cách mà không phải tháo/đổi kính thường xuyên.
-
Thoái hóa điểm vàng hoặc AMD: Thoái hóa điểm vàng là tình trạng hoàng điểm - khu vực trung tâm của võng mạc bị suy giảm, dẫn đến mù lòa ở người sau tuổi 60. Hiện không có nhiều cách điều trị cho bệnh AMD, nhưng chế độ dinh dưỡng và các bài tập về mắt có thể làm chậm tiến triển của bệnh. Việc đeo kính có lớp váng phủ ngăn ngừa tia UV có thể ngăn chặn tổn hại đến mắt, làm chậm tiến triển của bệnh.
-
Glaucoma: Glaucoma thường là bệnh di truyền gây ra sự tăng áp lực trong mắt và cuối cùng dẫn đến mù lòa. Người bị glaucoma có thể thực hiện phẫu thuật để có lại thị lực rõ ràng.
VẤN ĐỀ THỊ LỰC Ở NGƯỜI TRÊN 60 TUỔI
Ở tuổi 60, lão thị sẽ chậm tiến triển theo năm tháng, tuy nhiên trong giai đoạn này, các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể có thể dẫn đến việc mất thị lực hoàn toàn. Người cao tuổi cần đặc biệt thận trọng với thị lực của mình, đi khám mắt định kỳ và nếu phát hiện bất kỳ bất thường gì ở thị lực thì cần gặp bác sĩ nhãn khoa ngay.
NHỮNG VẤN ĐỀ THỊ LỰC PHỔ BIẾN Ở NGƯỜI TRÊN 60 TUỔI
- Đục thủy tinh thể: Đục thủy tinh thể là khi thủy tinh thể trong mắt trở nên mờ đục, dẫn đến giảm thị lực hoặc mất thị lực hoàn toàn. Đục thủy tinh thể là một quá trình tự nhiên của tuổi già, tuy nhiên người cao tuổi có thể ngăn ngừa bằng một chế độ dinh dưỡng hợp lí và bảo vệ mắt khỏi tia UV trong ánh nắng mặt trời. Họ cũng có thể lựa chọn phẫu thuật đục thủy tinh thể.
- Bên cạnh đó, người cao tuổi có thể mắc các bệnh phổ biến mà lẽ ra họ đã có thể phòng tránh khi còn trẻ. AMD, bệnh glaucoma, lão thị và các bệnh khác rất phổ biến ở những người trên 60 tuổi.
CÓ THỂ LÀM NHỮNG GÌ ĐỂ BẢO VỆ THỊ LỰC ?
Việc nâng niu và bảo vệ đôi mắt của bạn là một điều vô cùng quan trọng, do đôi mắt chúng ta phải làm việc rất nhiều trong ngày, cũng như chịu tác động từ rất nhiều yếu tố, bạn có thể tham khảo một số hướng dẫn sau nhằm bảo vệ tối đa thị lực cho bản thân và duy trì sức khỏe cho đôi mắt của bạn:
- Tập thể dục cho đôi mắt: Những bài tập đơn giản tại nhà cho đôi mắt sẽ giúp mắt bạn thư giãn, nghỉ ngơi nhiều hơn sau thời gian dài hoạt động. Hầu hết các bài tập mắt đều đơn giản và dễ dàng thực hiện tại nhà, do vậy hãy luyện tập mỗi ngày để đôi mắt luôn khỏe.
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, không một ai có thể chối cãi lợi ích mà thể dục thể thao mang đến cho sức khỏe con người, không đơn thuần là rèn luyện thể chất, mà tập luyện thường xuyên cũng sẽ có những tác động tích cực đến đôi mắt của bạn, do khi cơ thể được khỏe mạnh, thì các tế bào cũng như cơ quan khác trong cơ thể cũng sẽ được cải thiện đáng kể.
- Sử dụng các thực phẩm nhiều dinh dưỡng/ thực phẩm bổ sung, có rất nhiều lại thực phẩm tốt cho đôi mắt của bạn, đặc biệt là những loại nhiều vitamin A, C, những thực phẩm này sẽ cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng đôi mắt của bạn, vậy nên hãy cố gắng bổ sung thật nhiều chúng trong các bữa ăn hàng ngày của mình.
- Đeo kính bảo hộ đầy đủ khi thực hiện các hoạt động có nguy cơ tổn thương tới mắt, các ngành nghề cơ khí hay phải tiếp xúc với các tia lửa, tia điện là những ngành nghề dễ làm tổn thương đôi mắt nhất, do đó nếu bạn có người thân làm việc ở lĩnh vực này, hãy nhớ nhắc nhở họ dùng kính bảo hộ để bảo vệ đôi mắt khỏi những tác hại đáng tiếc có thể xảy ra.
- Đeo kính chống tia UV 100% hoặc kính có chỉ số E-SPF (chống tia UV hai mặt), ánh sáng từ mặt trời chứa tương đối nhiều các tia độc hại, trong đó có thể kể đến tia UV, một loại ánh sáng cực kỳ có hại đối với đôi mắt của chúng ta, vậy nên khi ra đường, hãy nhớ sử dụng các loại kính chống tia UV để giữ cho đôi mắt của bạn luôn khỏe mạnh.
TUỔI TÁC ẢNH HƯỞNG ĐẾN THỊ LỰC CỦA BẠN?
Hãy tới gặp chuyên gia nhãn khoa gần nhất để được khám mắt toàn diện và tư vấn giải pháp tốt nhất.